Tết Ất Tỵ, tiếp nhận điều trị nội trú hơn 11.300 trường hợp
Số liệu báo cáo tổng hợp của Sở Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 25/1 - 2/2), các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận điều trị nội trú cho 11.352 trường hợp (tăng hơn 3.600 trường hợp so với năm 2024); tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn giao thông 1.807 trường hợp (tăng 570 trường hợp so với năm 2024); tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn pháo nổ, pháo hoa 23 trường hợp... Các bệnh viện bố trí đội cấp cứu cơ động ngoại viện trực tiếp nhận thông tin, cấp cứu cho các trường hợp trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 trong hoạt động cấp cứu ngoại viện, thực hiện vận chuyển cấp cứu ngoại viện 953 lượt.
Lãnh đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế thăm, chúc Tết bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Trong 9 ngày nghỉ Tết không có ổ dịch bệnh truyền nhiễm hay vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra. Báo cáo cũng nêu rõ trên địa bàn thành phố không ghi nhận tình trạng thiếu thuốc hay tăng giá thuốc trong dịp Tết.
Hơn 2.000 cán bộ y tế tham gia trực mỗi ngày tại các bệnh viện
Để bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị y tế đã thực hiện công tác chuẩn bị sớm từ nhân lực đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, dự trù cơ số thuốc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Các bệnh viện duy trì trực 4 cấp với trung bình 2.030 cán bộ tham gia trực mỗi ngày. Trong đó, trực khám bệnh, cấp cứu: 350 người/ngày; trực tại các khoa phòng điều trị: 1.200 người/ ngày; trực lãnh đạo, điều hành, xử lý thông tin đường dây nóng và trực hành chính - hậu cần, bảo vệ - tự vệ: 480 người/ngày…
Trực cấp cứu 115 bố trí 14 kíp/ngày, điều hành 4 người/ngày, tổng số 48 người và phối hợp với các bệnh viện để vận chuyển người bệnh.
Công tác phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm: tuyến phố có 5 đội cơ động phòng chống dịch (1 đội thường trực 24/24h) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; 5 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; mỗi quận, huyện, thị xã có 1 đội cơ động kết hợp vừa phòng chống dịch vừa phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Chăm lo Tết chu đáo cho bệnh nhân
Góp phần mang lại mùa xuân ấm áp của tình yêu thương và sẻ chia với người bệnh, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lãnh đạo Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội, Công đoàn Y tế Hà Nội đã tổ chức các đoàn thăm, động viên, chúc Tết người bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Đức Giang, Phụ sản Hà Nội…
"Hội chợ Tết 0 đồng - Xuân yêu thương năm 2025" với rất nhiều bánh chưng được trao tới người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Niềm vui của người bệnh khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia.
Các bệnh viện tổ chức tốt hoạt động chăm lo cho người bệnh như: "Hội chợ Tết 0 đồng - Xuân yêu thương năm 2025" cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn; chuỗi hoạt động "Phố Tết Xanh Pôn" với "Chạm yêu thương", "Gian hàng 0 đồng"; "Tết sẻ chia ấm lòng người bệnh - Xuân yêu thương trọn vẹn niềm vui" của Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội; chương trình cung cấp suất ăn, tặng quà người bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa khoa Đức Giang, đa khoa Hà Đông.
Mặc dù chỉ là những bữa cơm 0 đồng nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và phù hợp khẩu vị với người bệnh. Hay những món quà nhỏ như hộp mứt Tết, bánh, kẹo, mỳ tôm… nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang đến những ngày Tết - ngày xuân ấm áp cho bệnh nhân và người nhà phải ở lại bệnh viện, không được đón Tết cùng gia đình. Những hoạt động này là cầu nối nhân ái giữa thầy thuốc và người bệnh, giữa cộng đồng xã hội với người bệnh trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc vừa qua.