Các sản phẩm thuốc lá đang ngày càng đa dạng hơn, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được bán tràn lan trên thị trường hiện nay đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường vẫn gây hại cho người hút và những người xung quanh. Đối tượng sử dụng thuốc lá đã dần trẻ hóa khi được đem đến sự hưng phấn, thích thú, gây nghiện và dần lệ thuộc vào thuốc lá.
Ảnh minh họa (Internet)
Mặc dù công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được thực hiện rất quyết liệt với sự nỗ lực tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình tệ nạn xã hội vẫn có xu hướng gia tăng, vì vậy gia đình đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nhân cách và định hướng giá trị cho trẻ. Việc phụ huynh thiếu gương mẫu, không trang bị đầy đủ kiến thức về tác hại của thuốc lá, hoặc thiếu sự quan tâm, giám sát chặt chẽ đã tạo ra những "khoảng trống" để trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ em rất dễ bắt chước hành vi của người lớn và bạn bè. Nếu trong gia đình hoặc môi trường xung quanh có người hút thuốc, các em sẽ xem đó là điều bình thường và dễ dàng thử nghiệm. Nhà trường có trách nhiệm xây dựng môi trường học đường lành mạnh và giáo dục toàn diện cho học sinh.
Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc theo dõi, nắm bắt tâm tư, hành vi của học sinh cũng cần được tăng cường xã hội hiện đại với sự phát triển của internet và mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Trẻ em có thể dễ dàng tiếp xúc với những hình ảnh, thông tin tiêu cực, lệch chuẩn. Việc kiểm soát các sản phẩm độc hại như thuốc lá, đặc biệt ở khu vực gần trường học, vẫn còn nhiều bất cập.
Để ngăn chặn những sự việc tương tự trong môi trường học đường và bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, các phụ huynh cần làm gương cho con cái bằng lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá. Tăng cường thời gian trò chuyện, lắng nghe, giáo dục con về tác hại của thuốc lá và các tệ nạn xã hội. Xây dựng mối quan hệ gần gũi, tin tưởng để con cái có thể chia sẻ mọi vấn đề. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục và quản lý con em.
Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục về tác hại của thuốc lá và các chất gây nghiện thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề. Thực hiện nghiêm túc quy định về môi trường không khói thuốc, có biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với học sinh vi phạm. Tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý, tránh xa các hành vi tiêu cực. Thầy cô giáo và phụ huynh phải gương mẫu chấp hành nghiêm những quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá để làm gương cho học trò và con em mình. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân, hướng đến mọi đối tượng để cùng hành động, ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm thuốc lá mới tác động đến giới trẻ. Xây dựng các sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành cũng cần vào cuộc nhằm quản lý việc bán thuốc lá tại các hàng quán trên địa bàn, đặc biệt xung quanh khu vực trường học.
Thu Huyền