Thời gian diễn ra các Hoạt động chung của thành phố Hà Nội từ ngày 01/7-10/9, cao điểm từ 01/8- 05/9, gồm: tổ chức lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; triển lãm thành tựu kinh tế- xã hội; tổ chức hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ lão thành, người có công với cách mạng, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ của thành phố; bắn pháo hoa chào mừng; các chương trình nghệ thuật.
Căn cứ vào kế hoạch của đơn vị thường trực, thời gian, địa điểm, dự kiến số người tham gia từng hoạt động, Sở Y tế sẽ triển khai phương án y tế đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, phòng chống dịch và cấp cứu y tế cho từng hoạt động.
Công tác y tế được rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ các Hoạt động kỷ niệm.
4 nhiệm vụ cụ thể được Sở Y tế đưa ra tại kế hoạch. Đó là đảm bảo vệ sinh môi trường, giám sát cung cấp nước sạch, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo an toàn thực phẩm, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát trước và trong thời gian diễn ra các Hoạt động. Đảm bảo công tác thường trực y tế, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị để cấp cứu, chăm sóc y tế, điều trị đối với đại biểu, khách mời, nhân dân tham dự các Hoạt động. Chuẩn bị sẵn các đội cấp cứu cơ động, dự phòng để đáp ứng cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa...
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là đơn vị thường trực trong công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong thời gian cao điểm trên địa bàn thành phố. Đảm bảo chế độ thường trực phòng chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới và báo cáo tình hình dịch bệnh trong thời gian tổ chức các Hoạt động. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước các địa điểm diễn ra Hoạt động; các khách sạn, nhà hàng, địa điểm tổ chức Hoạt động và nơi ăn, nghỉ của đại biểu.
Giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vị thường trực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo công tác an toàn thực phẩm thời gian trong thời gian diễn ra các Hoạt động. Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm từ khâu thu mua nguyên liệu ban đầu đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; các cơ sở cung cấp suất ăn cho các đối tượng tham gia Hoạt động; các khách sạn, nhà hàng, địa điểm tổ chức Hoạt động và nơi ăn, nghỉ của đại biểu; các sản phẩm thực phẩm sử dụng trong Hoạt động (bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm tài trợ)...
Bố trí các tổ kiểm thực ba bước, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thường trực tại các Hoạt động. Chuẩn bị và sẵn sàng xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Các trường hợp ngộ độc (nếu có) phải được xử trí và báo cáo kịp thời.
Các khách sạn, nhà hàng, địa điểm tổ chức Hoạt động và nơi ăn, nghỉ của đại biểu sẽ được tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm.
Các bệnh viện trực thuộc Sở tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức thường trực tại đơn vị 1 tổ cấp cứu cơ động, sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh khi có yêu cầu; bố trí sẵn sàng 5-10 giường bệnh phục vụ các Hoạt động trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra.
Cùng với đó, Sở Y tế giao Trung tâm cấp cứu 115 là đơn vị thường trực trong công tác đảm bảo vận chuyển cấp cứu. Bố trí sẵn sàng các tổ cấp cứu (mỗi tổ gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng 1 xe ô tô cứu thương) với đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu, trang thiết bị cần thiết tham gia thực hiện nhiệm vụ trực y tế tại các địa điểm tổ chức Hoạt động theo sự phân công của Sở Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng các xe ô tô cứu thương và cán bộ thường trực tham gia vận chuyển cấp cứu khi có tình huống đáp ứng vận chuyển các ca dịch truyền nhiễm.