Mùa xuân năm 2025 đánh dấu chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển ngành Y tế Việt Nam nói chung, ngành Y tế Thủ đô nói riêng. Đây là hành trình dài ghi dấu sự phấn đấu không ngừng của ngành Y tế Thủ đô trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đóng góp to lớn vào sự phát triển của y học nước nhà.
Thư Bác Hồ gửi cán bộ ngành Y tế
Cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, tại hội nghị cán bộ Y tế được tổ chức ở Hà Nội, vì bận việc nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự được. Bác đã gửi một bức thư tới hội nghị. Bức thư ngắn gọn, súc tích với 368 từ là ý kiến chỉ đạo của Người, đồng thời cũng là gợi ý để cán bộ y tế thảo luận, bàn bạc tại hội nghị. Bức thư được đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 27/2/1955. Nội dung bức thư như sau:
Ảnh thư Bác (nguồn ảnh tư liệu)
"Gửi Hội nghị cán bộ Y tế!
Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác-sĩ ở Nam về?) các chú vui vẻ mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực, và làm việc cho tiến bộ. Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô các chú thảo luận:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "đông" và thuốc "tây". Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái và thành công. Tháng 2 -1955/ Hồ Chí Minh"
Bức thư thể hiện ba nội dung hết sức quan trọng của Bác gửi cán bộ ngành Y tế, đó là: phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh; xây dựng nền y học nước nhà. Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm "Ngày Thầy thuốc Việt Nam" và cũng kể đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.
Y tế Việt Nam làm theo lời Bác dạy
Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Năm 1945, Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Ngay sau đó, ngành Y tế cách mạng đã cùng cả nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp (1946-1954). Cuối năm 1954, sau 9 năm kháng chiến thắng lợi, Thủ đô Hà Nội được tiếp quản, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đã ký Quyết định số 004/QĐ ngày 09/10/1954 thành lập Sở Y tế Hà Nội.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, chính quyền còn non trẻ, tiềm lực kinh tế và quốc phòng quá nhỏ bé, nhưng biết dựa vào khí thế cách mạng và ý chí quyết tâm của nhân dân vốn giàu lòng yêu nước, triệt để tin tưởng vào cách mạng để xây dựng chính quyền về mọi mặt. Thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời kỳ này là sản xuất được các loại vắc xin phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ. Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline.
Trong những năm sau ngày giải phóng miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: sức khoẻ của nhân dân không ngừng được nâng lên, các công trình vệ sinh được xây dựng. Năm 1961, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin sabin phòng bệnh bại liệt và vắc xin phòng bệnh đậu mùa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình (nay là Bệnh viện đa khoa Vân Đình) ngày 20/4/1963. (nguồn ảnh tư liệu)
Khi đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt phá hoại miền Bắc, ngành Y tế một lần nữa lại hoạt động trong tình trạng thời chiến. Song song với việc tăng cường cán bộ cho cơ sở, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân miền Bắc, ngành không ngừng chi viện cho miền Nam. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Y tế đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Y tế Việt Nam trở thành điểm sáng thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu…; chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023.
Mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc và là một trong số các quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện nhiều kỹ thuật y học ngang tầm thế giới như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp bào thai, điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, ghép tạng... được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 của Bộ Y tế, toàn ngành Y tế đã nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Năm 2024, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân; đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực.
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 Luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quyết định, 02 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 44 Thông tư và đang tiếp tục tập trung hoàn thiện một số Luật khác theo kế hoạch.
Các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, tập trung cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực được tăng cường.
Với nỗ lực và sáng tạo không ngừng trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ Việt Nam đã đạt được những thành công vượt trội trong sự nghiệp cứu người.
Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ. Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Cùng với đó, khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến cơ sở y tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn những khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu…
Bộ Y tế cho biết bước sang năm 2025, nhìn lại chặng đường phát triển, dù còn nhiều khó khăn, thách thức song những kết quả mà Ngành Y tế đạt được trong năm 2024 là rất quan trọng, là động lực, là tiền đề để toàn ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội giao, thiết thực lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của ngành Y tế trong năm 2025.
Diệu Linh (tổng hợp)