Bác sĩ Hiếu thăm khám cho người bệnh.
Vừa làm tốt công tác quản lý vừa làm tròn vai một người thầy thuốc
Anh Nguyễn Minh Hiếu tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y dược Hải Phòng và công tác tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức từ năm 2005 đến nay với nhiều khoa phòng khác nhau.
"Trước khi nhận nhiệm vụ ở phòng Kế hoạch tổng hợp tháng 6/2024, bản thân mình đã làm việc ở nhiều khoa khác nhau. Nhiệm vụ chủ yếu là khám bệnh, điều trị, tư vấn tâm lý, tư vấn điều trị ngoại trú cho người bệnh đến khám và điều trị tại khoa mà mình công tác. Khi chuyển đổi vị trí công tác về phòng Kế hoạch tổng hợp, mình không ngừng học hỏi, đọc thật nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư liên quan để xây dựng kế hoạch hàng tháng, quý, năm. Tham mưu với lãnh đạo đơn vị và đề xuất cử các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y đi đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn." - anh Hiếu tâm sự.
Bác sĩ Hiếu luôn cân bằng, làm sao có thể làm tốt nhất phần công tác quản lý và không quên cống hiến sức lực, trí tuệ vào công tác chuyên môn.
Anh Hiếu bày tỏ: "Ở đây có rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần do chất gây nghiện… Mỗi bệnh nhân là một thái cực, một hoàn cảnh khác nhau buộc các y, bác sĩ phải theo dõi sát sao từng người. Mình luôn yêu nghề, tận tâm với công việc, 20 năm công tác, gắn bó với người bệnh tâm thần, bản thân chưa bao giờ để xảy ra sai sót chuyên môn. Điều trị luôn cá thể hóa từng người bệnh, không dập khuôn máy móc".
Bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu còn tham gia thường trực tại bệnh viện, trực tiếp xử trí nhiều ca bệnh nặng, ca bệnh khó, bảo đảm an toàn người bệnh. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Hiếu được cử đi học bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Tâm thần để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục góp sức mình vào sự phát triển chung của bệnh viện.
"Mình còn tham gia các buổi khám bệnh thiện nguyện, miễn phí tại cộng đồng như tham gia khám bệnh cho nhân dân xã Quảng Bị (Chương Mỹ), xã Phúc Lâm (Mỹ Đức). Hay khám bệnh cho các đồng chí thương bệnh binh trên địa bàn cụm phía Bắc huyện Mỹ Đức." - anh Hiếu cho biết thêm.
Chưa giây phút nào nản trí và sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cứu người
Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy, đôi khi dở khóc dở cười. Thậm chí, việc bị tấn công, bị đánh, tạt chất bẩn vào người là điều hết sức bình thường, bởi người gây ra không ai khác mà chính là người bệnh mình đang tận tâm chăm lo, điều trị hàng ngày.
Bác sĩ Hiếu tư vấn sức khỏe cho người dân đến khám bệnh.
Anh Hiếu nhớ lại: "Mình nhớ có trường hợp người bệnh chửi bới, đe dọa, thậm chí là ném vật bẩn vào người. Người nhà người bệnh không thông cảm, do tính chất người bệnh rối loạn tâm thần thường chống đối, phủ định bệnh, nên một số trường hợp người bệnh kích động vận động buộc các y bác sĩ phải thực hiện cưỡng chế, cố định người bệnh tại giường. Có những trường hợp người nhà người bệnh tỏ thái độ không bằng lòng, thậm chí còn nói lời khó nghe với mình. Nhưng vì trách nhiệm nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho người bệnh, những người xung quanh và tài sản nên mình buộc phải làm vậy".
"Bệnh rối loạn tâm thần là một bệnh đặc biệt, thường bị xã hội xa lánh, kỳ thị nên sự quan tâm đến người bệnh còn hạn chế. Người nhà người bệnh còn nhiều mê tín dị đoan, cho rằng bệnh rối loạn tâm thần là do ma làm nên khi bị bệnh gia đình thường tổ chức cúng lễ trước khi được đưa đến viện điều trị. Nhiều trường hợp làm chậm trễ việc điều trị, khi đưa đến viện thì bệnh đã nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Rồi khi người bệnh ổn định, ra viện nhưng do sự thiếu hiểu biết của gia đình người bệnh, cho rằng uống thuốc điều trị rối loạn tâm thần là thuốc lú, làm cho người bệnh bị lú lẫn, độc cho gan, thận, hại não nên không cho người bệnh uống thuốc đều, làm cho bệnh dễ tái phát, phải tái nhập viện điều trị. Một số gia đình sau khi cho người bệnh uống thuốc được 2-3 tháng, thấy người bệnh ổn định, không còn biểu hiện rối loạn tâm thần thì cho rằng người bệnh đã khỏi và không cho người bệnh uống thuốc nữa, dẫn đến bệnh tái phát…" - bác sĩ Hiếu chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình làm nghề.
Để tạo môi trường hòa đồng, giúp bệnh nhân yên tâm trong quá trình điều trị, ngoài thái độ nhẹ nhàng, ân cần, động viên, các y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức còn đầu tư công sức xây dựng khuôn viên cây xanh để bệnh nhân cảm nhận như đang sống trong gia đình.
" Làm nghề này trước tiên phải xác định tâm lý, phải đặt cái tâm lên hàng đầu nếu không sẽ không ai bám trụ được lâu dài. Mình may mắn khi nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn từ gia đình và bạn bè xung quanh khi lựa chọn làm việc và gắn bó tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức từ khi vừa ra trường đến nay. Tại bệnh viện, mình có nhiều cơ hội được phấn đấu, được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, được làm việc theo sở trường, được làm việc trong môi trường đoàn kết, dân chủ, được góp phần cống hiến sức trẻ của mình vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Có một câu nói mình thực sự tâm đắc, không có việc gì là đam mê từ đầu, chỉ khi việc làm đó thành công và càng thành công thì lại càng tạo động lực làm cho mình đam mê. Cơ duyên gắn bó với nghề của mình giản dị vậy thôi, không màu mè gì cả". - anh Hiếu chia sẻ.
Anh kể: "Vào khoảng tháng 8 năm 2018, trong phiên trực, mình là trưởng ca trực, có tiếp nhận một bệnh nhân nam 72 tuổi. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, vào viện với tình trạng đau ngực trái, vã mồ hôi, khó thở. Về mặt lâm sàng, mình nghĩ ngay đến việc người bệnh có khả năng bị nhồi máu cơ tim. Đang trong lúc hỏi bệnh và khám thì người bệnh đột ngột ngừng tim, ngừng hô hấp. Mình cùng kíp trực ngay lập tức thực hiện cấp cứu hồi sinh tim phổi theo phác đồ. Chúng tôi đã thực hiện ép tim, bóp bóng liên tục 75 phút, cùng với dùng thuốc thì người bệnh có dấu hiệu tim đập trở lại, thở khò khè. Tất cả kíp trực như vỡ òa cảm xúc, quên hết mệt mỏi. Khi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh tạm ổn định, chúng tôi đã hộ tống, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Quân y 103. Sau đó, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để đặt sten mạch vành. Hiện tại người bệnh vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Đó là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong sự nghiệp của mình."
Trong quá trình công tác, bác sĩ Hiếu cũng đã cấp cứu nhiều ca bệnh cả đa khoa và chuyên ngành tâm thần. Các trường hợp rối loạn tâm thần, kích động vận động, người bệnh có ý tưởng và hành vi tự sát, người bệnh sảng rượu, mỗi ca bệnh đều là một kỷ niệm.
Tại bệnh viện tâm thần, có rất nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, người nhà bỏ bê, bác sĩ phải bỏ tiền túi cho bệnh nhân mua thức ăn. Nếu gia đình bệnh nhân có thì trả lại, không có rồi cũng thôi. Có những bệnh nhân đến điều trị nhiều năm, bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của họ.
Đây là một chuyên ngành rất đặc thù, vất vả và hiểm nguy, nhân viên y tế chỉ cần sơ sẩy đã phải chịu thiệt rồi. Bởi, bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được hành vi, còn y, bác sĩ không có cơ chế bảo vệ.
Với bệnh nhân tâm thần, mỗi y, bác sĩ cần phải tạo được cái uy, phải cương quyết, cứng rắn mới khắc chế được họ nhưng cũng phải thật mềm mỏng để họ yên tâm chữa trị bệnh. "Nếu y, bác sĩ thấy sợ, thấy ngại rồi rút lui trước hiểm nguy thì chỉ có bỏ nghề chứ không bao giờ ở lại trong môi trường này được." anh Hiếu nhấn mạnh.
Ngày nay, áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến nhiều người mắc các bệnh lý về tâm thần. Vì thế đòi hỏi chuyên khoa tâm thần cần đẩy mạnh hơn nữa về nhân lực và vật lực để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.